Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định và duyệt phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Theo đó, vị trí địa điểm xây dựng cầu đi bộ được xác định tại vị trí giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn. Đầu cầu phía quận 1 nằm trong khu vực Công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía quận 2 bố trí tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía nam quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chức năng chính của công trình này là phuc vụ người người đi bộ nhưng vẫn có phân làn cho xe đạp. Người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai có thể sử dụng kết hợp băng chuyền, ram dốc, thang máy để di chuyển.
Ngoài ra, ở khu vực chân cầu, phương án thiết kế cần tổ chức không gian làm bãi đậu xe và các công trình hỗ trợ phục vụ như nhà vệ sinh, quầy nước. Đặc biệt, cầu phải được thiết kế thuận tiện cho xe cứu hộ, cứu nạn di chuyển khi xảy ra sự cố.
Trước đó, UBND TP.HCM đã cho phép liên doanh gồm công ty TNHH phát triển Bắc Việt, Công ty cổ phần dịch vụ đầu tư Đăng Cơ và Tập đoàn Indochina Capital nghiên cứu đề xuất dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Theo Đề án này, cầu có tổng chiều dài cầu là 360 m, có dáng hình chữ S tượng trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Cầu được tạo dáng theo đường uốn lượn của sông Sài Gòn, có trụ tháp nghiêng tạo góc nhìn mở, cách điệu theo hình ảnh cây tre Việt Nam.
Sau thời gian thi tuyển, Hội đồng tuyển chọn đã thực hiện đánh giá, xếp hạng cho 12 phương án thiết kế của 5 đơn vị tư vấn tham dự đến từ các nước Pháp, Phần Lan, Nhật, Tây Ban Nha, Việt Nam để tìm ra phương án tối ưu nhất, làm cơ sở xem xét đề xuất phê duyệt dự án, bao gồm các nội dung về quy hoạch giao thông, hình dáng, kiến trúc, giải pháp kết cấu, công nghệ và thời gian thi công, kinh phí xây dựng, hiệu quả kinh tế.
Như vậy, sau 8 năm lên kế hoạch và ý tưởng, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kết nối trung tâm quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chính thức được khởi động. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, dự kiến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, người dân TP.HCM sẽ có cây cầu đi bộ vượt sông đầu tiên, nối từ trung tâm “cổ” (cuối đường Nguyễn Huệ, giao với Tôn Đức Thắng) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kết nối cầu đi bộ qua sông sài gòn đến công viên trung tâm Thủ Thiêm Quận 2.
Thiết kế quảng trường lớn tại trung tâm bán đảo tương lai Thủ Thiêm, đáp ứng cho 200.000 cư dân và một thành phố kinh doanh năng động. Quy hoạch bờ kè và công viên bờ sông Sài Gòn diện tích 9 ha, và công viên và quảng trường trung tâm, bãi đậu xe tổng diện tích 20 ha.
Kết nối cầu đi bộ mới trên sông Sài Gòn, kết nối Thủ Thiêm và Quận 1 với chiều dài 360 m.
Dự án tạo nên một sự kết nối với lịch sử của người Chăm thông qua việc xử lý bề mặt đất nền.
Bán đảo Thủ Thiêm hình thành nên từ sự kết hợp giữa đất và nước, tạo nên 2 yếu tố mới bên trong bờ sông: bờ kè và các thềm sông. Đây là một quảng trường công viên với bóng mát là một điểm thu hút và đại diện cho thế kỷ 21. Hệ thực vật từ đồng bằng sông Mê Kông với hệ thống nước và gió đã mang đến cho quảng trường một không gian công cộng bền vững.